KHÍ NHẠC VIỆT NAM – TƯƠNG LAI ĐI VỀ ĐÂU ?
|
|
NS Cù Lệ Duyên
Nhà văn nổi tiếng Stevenson từng nói “Người trẻ tuổi thường cảm tưởng rằng thế giới rộng mở dường như dành cho mình anh ta”. Không biết trong đời sống âm nhạc của nước ta hiện nay có đúng như vậy không, nhưng ít ra chúng ta cũng đã quan tâm và đầu tư cho công việc đào tạo các thế hệ nhạc sĩ trẻ. Từ nhiều năm nay, riêng tại Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các nghệ sĩ biểu diễn, hàng năm đã cho ra trường hàng chục các nhạc sĩ được đào tạo cơ bản về sáng tác khí nhạc. Thế nhưng từ sau khi tốt nghiệp, rất ít ai trong số họ tiếp tục con đường sáng tác khí nhạc mà phần lớn chỉ xoay vào sáng tác ca khúc hoặc sáng tác nhạc phim theo kiểu “mì ăn liền”. Điều đó dẫn đến hệ trạng non yếu của khí nhạc Việt Nam hiện nay và có thể còn cảnh báo trong tương lai nếu như chúng ta thiếu những lớp người kế cận xứng đáng.
Có lẽ chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ - những nhạc sĩ trẻ ấy. Đành rằng lớp người kế cận được thừa hưởng của cha anh nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng họ cũng ít lưu tâm đến những đề tài về quá khứ hào hùng của dân tộc. Âm nhạc hàn lâm Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng ngay từ những năm đầu mới hình thành đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị như các vở nhạc kịch “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của Đỗ Nhuận, Rhapsodie “Bài ca chim ưng” cho violon và piano của Đàm Linh… Nhưng đâu phải chỉ trong thời gian chiến tranh chống Mỹ mà ngay trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới cũng có thể sáng tạo nên những bản trường ca âm thanh rực sáng mang đậm hào khí dân tộc. Có lẽ trách nhiệm một phần không nhỏ thuộc về các thế hệ đi trước đã không truyền thụ được nhiều kinh nghiệm cho họ tuy chúng ta đều biết rằng nhiệm vụ của các nhạc sĩ trẻ ngày nay không chỉ là sự tìm tòi ngôn ngữ, phong cách âm nhạc mới với những bước đột phá mà còn cần hoàn thiện những thành tựu của cha anh.
Nhưng chúng ta đón nhận những tìm tòi sáng tạo mới của các nhạc sĩ trẻ ra sao? Liệu có nên bắt họ phải tuân theo những khuôn mẫu cứng nhắc bởi chúng ta cần những nghệ sĩ thực thụ chứ không phải những cái máy sáng tác với những điểm 9, điểm 10. Có một nhà soạn nhạc nổi tiếng từng nói “đúng nguyên tắc mà không hay nghĩa là sai, không đúng nguyên tắc mà hay nghĩa là đúng”. Tuy nhiên những tìm tòi sáng tạo của các nhạc sĩ trẻ có thể chưa có sức thuyết phục nhưng nếu như họ không chịu tìm đến cái mới chính là điều đáng buồn hơn, bởi chúng ta đều biết từ trước tới nay, hầu hết các nhạc sĩ thành đạt và có tiếng vang để đời đều là những người luôn hướng tới những phát kiến mới. Các nhạc sĩ trẻ cũng không nên ngại ngùng khi gặp phải sự phản kháng vì đó là quy luật của sáng tạo. Những vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng của ngôn ngữ âm nhạc bởi không phải cứ mới đã là hay. Điều vô cùng quan trọng trong mỗi tác phẩm là ý tưởng nhạc và người nhạc sĩ phải sáng tạo cho người nghe cảm nhận được ý tưởng của mình. Nếu như các nhạc sĩ trẻ của chúng ta hiện nay không làm nên những bước đột phá thì ít nhất chúng ta cũng vô cùng mong mỏi và chờ đợi ở họ sự biểu hiện đặc sắc cái “tôi” sáng tạo của mình chứ không phải sự bắt chước phong cách của các nhạc sĩ khác. Cho dù trên thế giới hiện nay có nhiều trào lưu âm nhạc với nhiều biến động và ảnh hưởng nhưng người nhạc sĩ Việt Nam có bản lĩnh là người biết tìm ra con đường riêng và biểu hiện cuộc sống theo thế giới quan của riêng mình.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận những giá trị kinh điển, những giá trị vĩnh hằng đã đạt đến mức chuẩn mực của nghệ thuật bởi chuyển động vô tận của con đường nghệ thuật chính là sự phát triển truyền thống. Người nhạc sĩ càng cắm rễ sâu vào cội nguồn văn hóa bao nhiêu thì nghệ thuật của anh ta càng có sức thuyết phục bấy nhiêu. Nhưng làm thế nào để khi chìm đắm vào cội nguồn văn hóa dân tộc mà bản lĩnh sáng tạo của riêng mình không bị lu mờ? Để làm được điều đó, các nhạc sĩ trẻ của chúng ta ngoài bản lĩnh vững vàng cần phải biết chắt lọc tinh chất từ văn hóa dân gian chứ không phải copy nguyên mẫu, đồng thời qua đó biểu hiện được tinh thần của thời đại ngày nay.
Nhưng chúng ta thực sự mới chỉ quan tâm đến việc đào tạo các thế hệ nhạc sĩ trẻ mà chưa đầu tư thích đáng cho sự phát triển và khuyến khích sáng tạo đối với các tài năng tương lai của đất nước. Ngay kinh phí đầu tư sáng tác khí nhạc hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chỉ dành cho các nhạc sĩ đã có tên tuổi nên các nhạc sĩ trẻ có muốn sáng tác cũng chẳng có kinh phí dàn dựng. Chưa kể họ phải hao tổn nhiều thời gian và công sức sáng tạo mà cuộc sống hiện nay đặt ra cho các nhạc sĩ trẻ những vấn đề thực tiễn như họ phải bươn trải để kiếm tiền, tậu xe, xây nhà… nên không ít các nhạc sĩ trẻ đặt mục đích hàng đầu vào việc chăm lo cho mình nền tảng vật chất, sau đó mới an tâm nghĩ đến viết nhạc. Có thể họ đã lầm bởi hầu như họ sẽ chẳng bao giờ tìm được nhiệt huyết sáng tác thực sự nếu đã có lúc từng bỏ bẵng bởi nghệ thuật âm nhạc hàn lâm – đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác khí nhạc luôn đòi hỏi sự trau dồi. Chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỷ XXI – thời đại của những thành tựu khoa học kỹ thuật với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đòi hỏi mỗi chúng ta phải trau dồi kiến thức để đáp ứng nhu cầu phát triển trí tuệ ngày càng cao. Nhưng chúng ta chớ nên quên rằng văn hóa Việt Nam, âm nhạc Việt Nam cần những con người tràn đầy nhiệt huyết với lẽ sống cao đẹp và trái tim biết yêu thương.
Như chúng ta đã biết khi đánh giá âm nhạc của một quốc gia, người ta dựa vào nền khí nhạc của quốc gia đó. Một quốc gia có nền âm nhạc hùng mạnh là quốc gia có nền khí nhạc hùng mạnh. Đôi khi chúng ta vô cùng bảo thủ mà cho rằng, chỉ cần chú trọng phát triển âm nhạc cổ truyền bởi đó mới là sự giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Chính vì vậy nên đã có những ý kiến cho rằng các nhạc cụ dân tộc của chúng ta phong phú hơn nhiều so với dàn nhạc giao hưởng. Thực ra để hình thành nên mỗi loại nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng, nhạc cụ đó phải trải qua hàng bao thế kỷ tiến hóa và không ít loại nhạc cụ đã được kết tinh từ nhiều loại nhạc cụ dân gian mà nên. Chúng ta tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống nhưng không thể phủ nhận những giá trị vĩnh hằng của âm nhạc hàn lâm – ngôn ngữ kỳ diệu không của riêng quốc gia nào. Đó còn là sự liên kết giữa các dân tộc, là tài sản chung của văn hóa nhân loại.
Trong quá trình hội nhập, chúng ta không chỉ cần tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới mà còn cần truyền bá văn hóa Việt Nam thông qua ngôn ngữ đơn giản rằng ta cứ sáng tác một bản giao hưởng là bản giao hưởng đó có thể tìm được sự đồng cảm của thính giả khắp toàn cầu. Đôi khi chúng ta vô tình hay hữu ý đã ỷ lại vào học vấn và viết nên những tác phẩm bắt chước theo phong cách của các thời đại đi trước. Cũng có người lại lầm tưởng rằng, với những phong cách đó và đưa thêm dân ca vào là tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc. Chúng ta đang sống ở thời đại của khoa học kỹ thuật và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thính giả hơn bao giờ hết cần đến những tư duy mới. Nhân đây xin nhắc đến chuyện một nhà văn hóa khi được hỏi “Ông chờ đợi gì ở nghệ thuật” đã trả lời rằng “Tôi chờ đợi những gì tôi chưa biết”. Nhưng để “những gì chưa biết” ấy được thế giới đón nhận phải là ngôn ngữ âm nhạc với bản sắc dân tộc đậm đà và sự cách tân trong phương thức biểu cảm làm toát lên được thẩm mỹ của con người thời đại mới.
Để làm được điều đó, chúng ta cần một đội ngũ các nhà soạn nhạc có năng lực sáng tạo và trình độ chuyên môn cao bởi như lời của nhà soạn nhạc nổi tiếng Pierre Boulez “Âm nhạc – còn gì cao hơn thế nữa kể cả về khía cạnh khoa học lẫn nghệ thuật. Ai biết kết hợp cả hai – người đó chính là thiên tài”.
|
|