Nghe Playlist Của Bạn

QUẢNG CÁO

VÀI SUY NGHĨ VỀ SÁNG TÁC BÀI HÁT CHO TRẺ EM

Nhân ngày Tết thiếu nhi năm nay (1-6-2008) NXB Kim Đồng đã dành cho tôi một món quà đấy ý nghĩa: Đó là in tập nhạc “Cánh én tuổi thơ” gồm 200 bài hát của tôi viết cho các em nhỏ từ hơn nửa thế kỷ qua và một tập chân dung “Nhạc sĩ Phạm Tuyên” (do nhà thơ Thụy Kha giới thiệu). Tôi thực sự cảm động vì đây là sự ghi nhận của đời sống đối với những bài ca nhỏ của tôi được tuổi thơ cả nước còn nhớ và hát mấy chục năm qua nhưng đây cũng lại là một dịp để bản thân người sáng tác có thêm những suy nghĩ sâu sắc hơn khi viết cho một số đối tượng mang tính đặc thù này. 

1. Trước hết phải nói đến sức mạnh tuyền cảm của âm nhạc đối với lứa tuổi thiếu nhi. Có lẽ không có loại hình nghệ thuật nào đến sớm nhất và gây ấn tượng sâu sắc đối với mỗi con người bằng âm nhạc, từ khi lọt lòng mẹ với âm hưởng êm dịu của những khúc hát ru (mà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát gọi là “nhạc không lời” đối với các cháu nhỏ) tới những âm thanh và tiết tấu sôi động khi đến tuổi trưởng thành. Như một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của thiếu nhi, những thế hệ đi trước luôn cố gắng đáp ứng đòi hỏi đáng yêu ấy; và thế là sinh ra một dòng nhạc cho trẻ em, không riêng gì ở nước ta mà ở hầu hết các nước trên thế giới.
Nếu trước Cách mạng tháng Tám những bài hát của tổ chức Sói con và một vài ca khúc mới tuy ít ỏi nhưng đã đến với trẻ em ở các thành phố lớn thì nhiều năm sau 1945 đã xuất hiện những bài hát cho tuổi nhỏ vui tươi và rộn rã trên đất nước vừa giành được độc lập. Qua mấy chục năm chiến tranh và sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) đã có không ít bài hát được phổ biến rộng rãi trong tuổi thơ và còn vang mãi đến ngày hôn nay. 

2. Trước khi nhận định và đánh giá toàn cảnh về sáng tác bài hát cho trẻ em hiện nay, qua kinh nghiệm bản thân cũng như qua thành công của các bạn đồng nghiệp, xin được nêu một vài điểm khi viết nhạc cho một đối tượng mang tính đặc thù này. 

2.1. Đầu tiên là cần phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa sáng tạo nghệ thuật (âm nhạc và ca từ) và đặc điểm tâm, sinh lý của tuổi này. Từ những sáng tác đầu tiên tôi viết cho những em nhỏ cách đây gần 60 năm cho tới nay tôi thấy đây là một điều thu hoạch rất quan trọng. Khi ta nghĩ đến trẻ em một cách chung chung để rồi ngẫu hứng viết cho các em thì cũng có bài các em thích và nhớ nhưng cũng có bài khó hát và các em quên ngay. Có thể thấy có sự khác nhau về tâm sinh lý giữa các lứa tuổi từ tuổi Mẫu giáo đến tuổi Vị thành niên. Ngoài sự khác biệt về nội dung trong những hoạt động và tình cảm của lứa tuổi này so với người lớn lại càng phải chú ý tới sự phát triển về tâm lý của trẻ em thể hiện qua khả năng tiếp nhận âm nhạc. Nếu ở trẻ Mẫu giáo bài hát thường chỉ ở một âm vực ngắn (quãng 4 đến quãng 7) thì ở tuổi nhi đồng âm vực có thể mở rộng hơn (tới quãng 9 và 10) và ở tuổi thiếu niên thì lại càng rộng hơn. Khác với những đội hợp xướng trẻ em hay những ca đoàn trong nhà thờ ở nước ta hay trên thế giới mà việc huấn luyện dàn dựng để hát những bản hợp xướng nhiều bè phải dùng đến cách hát giả thanh tương đối chuyên nghiệp, thì đối với đông đảo các em nhỏ khi đến với âm nhạc thì đó chỉ là một cách để biểu hiện niềm vui của mình đối với cộng đồng nên việc viết ca khúc cho trẻ em cần phải phù hợp với âm vực của từng lứa tuổi là điều cần đặc biệt quan tâm. 

2.2. Cần vận dụng nhuần nhuyễn giữa chức năng giáo dục và chức năng giải trí đối với trẻ em. Có một thời kỳ chúng ta quá nặng nề chức năng giáo dục (hiểu một cách xơ cứng) mà ít quan tâm đến chức năng giải trí dẫn tới việc đưa những điều răn dạy khô khan vào trong ca từ khiến cho chức năng giáo dục lại bị hạn chế. Nếu từ vài năm nay ngành giáo dục nước ta đã phải nhấn mạnh đến đặc điểm của lứa tuổi mẫu giáo và nhi đồng là độ tuổi: Vừa học vừa chơi hay vừa chơi vừa học thì rõ ràng nếu thiếu sự vận dụng nhuần nhuyễn giữa hai chức năng này của âm nhạc thì sẽ không có tác phẩm tốt cho trẻ em. Các em buộc phải hát những bài răn dạy một cách miễn cưỡng theo yêu cầu của thầy cô và người lớn, nhưng khi vui chơi với nhau các em lại tìm đến những bài hát khác, nhiều khi là của người lớn. Ở đây những khúc đồng giao hay những điệu lý của cha ông truyền lại đã cho ta thấy cái nguyên lý “vừa chơi vừa học” không còn xa lạ với nhân dân ta. 

Thời kỳ đầu tân nhạc ở nước ta những sáng tác ngẫu hứng phát triển từ đồng dao của các nhạc sĩ tiền bối như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Lê Thương… với những chú Cuội, con voi, con mèo trèo cây cau… vừa ngộ ngĩnh vừa có ý tưởng tế nhị được phổ biến rộng rãi qua năm tháng. Tìm hiểu qua mấy trăm bài đồng dao đã được xuất bản (không phải bằng bản nhạc) có thể thấy đây là một hướng khá phù hợp với lứa tuổi nhỏ này. Từ đầu những năm 80 thế kỷ trước tôi đã thể nghiệm phổ nhạc cho những khúc đồng dao xưa và thấy các em nhỏ trong cả nước đón nhận một cách thích thú. NXB Giáo dục khi thấy nhiều trường Mầm non và Tiểu học hát những bài hát này đã cho in thành hai tập đồng dao mới. các nhạc sĩ Trương Đình Quang, Lư Nhất Vũ đã gửi thêm cho tôi những tài liệu sưu tầm đồng dao và các điệu lý phía Nam càng khẳng định rằng đây là một thể loại vừa mang tính giáo dục lại vừa nối tiếp truyền thống một cách tự nhiên và phù hợp với trẻ em Việt Nam. Vấn đề đặt ra làm sao có thêm nhiều khúc đồng dao mới, gần với cuộc sống ngày hôm nay hơn nữa. 

2.3. Khi bàn tới khái niệm vừa chơi vừa học đối với trẻ nhỏ thì về mặt âm nhạc ngoài sức hấp dẫn của giai điệu cần quan tâm đến yếu tố tiết tấu. Đã vui, đã đùa nghịch thì tiết tấu cũng phải thể hiện nhịp sống tươi trẻ đó. Nếu từ thế kỷ XVIII Hans de Boulov đã nói: “Khởi đầu là chi tiết”, thì đến những năm gần đây tiết tấu trong sáng tác cho trẻ em cần được quan tâm. Hè năm nay tôi có dịp trao đổi với G.S.VS Trần Văn Khê về âm nhạc cho trẻ em và ông đã khẳng định cần dạy cho trẻ tiết tấu trước khi dạy giai điệu qua những lớp thực nghiệm của ông ở một số trường tiểu học tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả thật bất ngờ. Trẻ tiếp thu rất nhanh những đảo phách, nghịch phách rất phổ biến trong các trò chơi dân gian (điều mà nhiều người cho rằng rất khó dạy đối với trẻ) thậm chí trên các tiết tấu ấy các em nhỏ đã đặt ra những giai điệu rất dễ thương. Rõ ràng những bài hát chỉ ê a như tụng kinh khó nhập được vào tâm hồn trẻ trong khi đó những bài ca với tiết tấu sôi nổi vẫn có khả năng chuyển tải những nội dung giáo dục đến với trẻ em một cách tự nhiên. Xã hội ta đang từng ngày đổi mới và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một nhịp điệu mới của xã hội hiện đại không chỉ đến với người lớn mà đối với cả trẻ em nhất là trong tiến trình nước ta đang hội nhập với thế giới. Nhà văn Nguyễn Minh Châu có lý khi ông nói: “Hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Đọc lời, hát lời theo tiết tấu dân gian ở nhiều miền trên đất nước ta đâu có gì quá xa lạ với hát Rap hay Hop hop. 

2.4. Trong mảng sáng tác cho trẻ em qua năm tháng tôi thấy việc thâm nhập vào thế giới trẻ thơ quả có gợi cho mình nhiều suy nghĩ. Những thành công bước đầu của tôi qua sự đón nhận của trẻ em trong cả nước không chỉ là những bài học cho bản thân mà có thể là những kinh nghiệm để trao đổi với các bạn đồng nghiệp. Rõ ràng về mặt nghệ thuật mà nói thì nhạc cho trẻ em và nhạc cho người lớn đều bình đẳng, “hay thì người ta nhớ, dở thì người ta quên”, và nhạc cho trẻ em mà hay và có chất lượng thì người lớn cũng thích. Tôi cám ơn các nghệ sĩ đã tìm đến những bài hát cho trẻ em của tôi để biểu diễn cho thiếu nhi như NSND Thanh Hoa với bà “Bà Còng đi chợ” hay “Con chim chính chòe” cho lứa tuổi Mấu giáo; NSND Trần Hiếu ngộ nghĩnh với bài “Chú voi con ở Bản Đôn” cho lứa tuổi nhi đồng và NSND Lê Dung với vài “Cánh én tuổi thơ” cho lứa tuổi thiếu nhi. 

3. Từ những suy nghĩ và trải nghiệm trên, xin có một số nhận xét về đời sống âm nhạc và tình hình sáng tác ca khúc cho trẻ em hiện nay của chúng ta. 

3.1. Trong một số cuộc trao đổi bàn tròn trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam về sáng tác cho thiếu nhi hiện nay với một số nhạc sĩ quan tâm đến đối tượng này, chúng tôi đã đi đến một nhận xét là: bài hát cho thiếu nhi của chúng ta hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa vì có quá nhiều bài mang tính áp đặt cho trẻ những điều mà người lớn thấy cần phải giáo dục trẻ em. Trước nhu cầu về ca hát của trẻ nhiều thầy cô giáo cần phải giáo dục trẻ em. Trước nhu cầu về ca hát của trẻ nhiều thầy cô giáo với trình độ nhạc lý ít ỏi đã viết những bài hát kém chất lượng hoặc mô phỏng những bài hát quá quen thuộc với các em. Một số nhạc sĩ ngẫu hững viết cho trẻ em nhưng lại không xác định được viết cho độ tuổi nào nên thường bài hát hay rơi vào quãng giữa (tuổi ở bậc phổ thông cơ sở) còn hai đầu là tuổi mẫu giáo và tuổi vị thành niên thì lại thiếu bài. Bên cạnh một số bài đã phổ biến trước đây thì thường trong sinh hoạt âm nhạc của các em có những bài hát mới được sáng tác nhân những dịp kỷ niệm hay ngày truyền thống của từng trường, từng địa phương mà các em phải trình diễn theo yêu cầu của người lớn. Rõ ràng là vẫn còn thiếu nhiều bài hát được trẻ yêu thích. 

3.2. Một số nhạc sĩ quan niệm quá đơn giản về sáng tác bài hát cho các em; cái gì sơ lược, giản đơn mà người lớn không hát thì chuyển cho trẻ em. Trong cơ chế thị trường các nhạc sĩ trẻ được đào tạo bài bản lại ít quan tâm đến đối tượng này mà thiên về viết nhạc nhẹ cho thanh niên vì lĩnh vực này dễ nổi tiếng và tất nhiên nhuận bút sẽ cao hơn. 

3.3. Việc định hướng về nội dung cũng chưa được quan tâm đúng mức thậm chí sai cả đường lối giáo dục.
Tôi ngạc nhiên khi thấy một album nhạc cho trẻ em của nhóm Huyền thoại (qua báo Thanh niên 29/3/2008) có in dòng chữ “cấm người lớn trên 18 tuổi nghe”(!) với những lời ca dung tục ghét thầy giáo và cô giáo như: “Cái ông thầy gì đâu mà lúc nào cũng nghiêm nghị, lên trả lời bài mà cứ cho zê-zô”(!) hoặc “còn nhớ mình năm ngoái còn là đại ca trong lớp, giờ hàng ngày 5 tiết học phải ra quỳ ở hành lang, thiệt là bức xúc lắm, trời ơi sao mà ghét ông thầy quá”(!). 

Càng ngạc nhiên hơn khi thấy trong Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (bộ mới số 1 – 2008) lại đăng bài “Anh Hai” – giải nhất ca khúc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2007 cũng với nội dung tương tự: “Anh Hai, Anh Hai bắt con học hoài, cứ nhéo cái tai mỗi khi con làm bài sai. Mẹ ơi, sao lại sanh anh Hai trước mà không phải là sanh con”(!).
Không biết có nên xui trẻ con chống lại người lớn hay thế hệ đi trước không? Có thực đứa trẻ nào cũng nghĩ như vậy không? Tính giáo dục ở đâu? Kiểu mà người lớn viết như vậy đã xảy ra đối với việc xuyên tạc một bài hát của tôi viết cho trẻ mẫu giáo và được phổ biến rộng rãi trong cả nước là bài “Cô và mẹ”. Từ câu: “Cô và mẹ là hai cô giáo, mà và cô đấy hai mẹ hiền” thành câu láo lếu: “Cô và mẹ là hai con cáo, mẹ và cô đấy hai mẹ mìn”(!). 

3.4. Xu hướng thương mại hóa trong cơ chế thị trường đã đẻ ra những hiện tượng không có lợi cho việc giáo dục trẻ như việc một số phụ huynh thấy con có khả năng ca hát đã vội làm album để bán hoặc một số sân chơi về ca nhạc tổ chức cho các em thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ mà không có định hướng về mặt giáo dục và cả mặt nghệ thuật. Gần đây nhất là một loạt chương “Đồ rê mí” phát trên VTV3 đã mô phỏng theo mô hình chọn ngôi sao ca nhạc của người lớn, từ hàng ngàn em (tuổi từ 4 đến 9) tham gia để cuối cùng chọn ra 6 em vào chung kết với sự bất bình khi xem trên truyền hình một cháu bé gái biểu diễn tiết mục “Thị Màu lên chùa” với sự đạo diễn khá công phu và cháu bé bắt chước khá giỏi vai Thị Màu lắng lơ với chú Tiểu, nhưng chắc chắn cháu bé không thể hiểu được khát vọng về hạnh phúc của người phụ nữ này trong kho tàng âm nhạc dân gian của chúng ta. Từ những hiện tượng trên, phải chăng cần phải rung chuông báo động về việc sáng tác và lựa chọn bài hát cho trẻ em? 

4. Vấn đề sáng tác nhạc cho trẻ em là nhằm đáp ứng một nhu cầu trong đời sống tinh thần của trẻ. Một số nhà tâm lý học đã nhận định trẻ em hôm nay phát triển có gia tốc đặc biệt là trong thời đại thông tin toàn cầu với biết bao luồng âm nhạc đến từ các nước trên thế giới. Từ sự tiếp nhận nguồn thông tin phong phú ấy, khi mà các em nhỏ chưa thạo tiếng Việt nhưng đã hăm hở học hát tiếng Anh, tiếng Hàn… thì “trước sự tàn phá về văn hóa xã hội chỉ có sự khôn ngoan và ý thức dân tộc sâu sắc mới có thể chống lại sự xâm lăng đó. Nếu không thì chúng ta đang đánh mất chủ quyền về ngôn ngữ - cho dù đó là sự vô ý thức (Theo Lê Đình Tú – Tạp chí Tri thức). 

4.1. Sáng tác cho thiếu nhi đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội không riêng gì của giới nhạc mà của các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin – Tuyên truyền, Bộ Lao Động – Thương binh – Xã hội, Bộ Giáo dục, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Đồng đội TU.v.v… Những cuộc vận động sáng tác cho trẻ em cần được tổ chức có định hướng và yêu cầu về nghệ thuật với sự tài trợ thỏa đáng. 

4.2. Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần đặt vấn đề sáng tác cho thiếu nhi ngang với sáng tác cho các đối tượng khác trong xã hội. Trước đây trong khóa 3 (1983) Hội có hình thành một Ban sáng tác cho thiếu nhi và đã tổ chức một số hội thảo về chuyên đề thiếu nhi, nhưng đến năm 1989 thì không còn tổ chức này nữa và các tác phẩm cho thiếu nhi được phân về ban thanh nhạc. Từ đó hầu như sự quan tâm của Hội với đối tượng này bớt hẳn, trong khi đó thì Hội Nhà văn Việt Nam vẫn có một Ban sáng tác văn học cho thiếu nhi và gần đây vẫn tổ chức đều kỳ những trại sáng tác, những cuộc hội thảo về chủ đề viết cho thiếu nhi.
Thiết nghĩ Ban sáng tác cho thiếu nhi nên được thành lập lại để sớm có tiếng nói chuyên môn có trọng lượng trong quan hệ với các cơ quan hữu quan và tạo được sự thống nhất cao trong giới sáng tác. 

Trong bức tranh toàn cảnh về đời sống âm nhạc của xã hội của chúng ta hiện nay không thể thiếu vắng những hoạt động ca nhạc cho tuổi thơ. Việc này không những thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với lứa tuổi là tương lai của đất nước mà còn góp phần gìn giữ và phát triển nền âm nhạc Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới. Tất nhiên trách nhiệm chính vẫn thuộc về giới nhạc sĩ chúng ta mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam là ngôi nhà chung của những người làm âm nhạc trong cả nước. 

Ns.Phạm Tuyên

 
+ Các bản tin khác
     - "Nhịp điệu Xuân" tháng 4 tại Hà Nội
     - “Nhịp điệu xuân” sự hòa hợp giữa xẩm và rock.
     - Tổng hợp tình hình hoạt động của các chi hội phía Nam
     - Chi hội NS Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức đại hội nhiệm kỳ III
     - Ấm áp đêm “Ngọc Trai Đỏ”
     - Lễ ra mắt chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Nai
     - Đại hội thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt nam tỉnh Bắc Ninh
     - Chương trình biểu diễn nghệ thuật “nhịp điệu xuân” ngày 2,3/4/2009 tại nhà hát lớn Hà Nội
     - Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền trung lần II tại TP Vinh từ 19 đến 22 tháng 2 năm 2009
     - Giải thưởng Hội NSVN năm 2008
 

THÀNH VIÊN

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:

MỚI CẬP NHẬP

Xem Tiếp...