Nghe Playlist Của Bạn

QUẢNG CÁO

Hội thảo “Âm nhạc Việt Nam - Thực trạng và phương hướng”

Trong ngày 22/10/2008 vừa qua, tại 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Âm nhạc Việt Nam - Thực trạng và phương hướng”. Hội thảo đã diễn ra rất sôi nổi và thu hút được sự chú ý của dư luận cũng như các nhà chuyên môn. Vnmusic sẽ lần lượt giới thiệu các tham luận tham dự Hội thảo trong phần Nghiên cứu, Lý luân, phê bình. Sau đây là đề dẫn và một số hình ảnh của Hội thảo: 










      ÂM NHẠC VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG  

    PGS.TS. Thế Bảo 

Kính thưa quý vị đại biểu,

Các bạn đồng nghiệp quý mến, 

Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và Hội Nhạc sĩ Việt Nam dự định quý 3 năm 2008 tổ chức cuộc Hội thảo qui mô lớn “Âm nhạc Việt Nam - Thực trạng và phương hướng” một cái nhìn toàn diện âm nhạc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI đặc biệt sau ngày Việt Nam ra nhập WTO.

Hội thảo sẽ đề cập âm nhạc truyền thống dân tộc, âm nhạc giao hưởng thính phòng, ca khúc Việt Nam đương đại, những vấn đề đào tạo âm nhạc, công việc biểu diễn, quảng bá âm nhạc, những vấn đề nghiên cứu lý luận phê bình, âm nhạc trên các phương tiện nghe nhìn, vấn đề tác quyền.v.v…

Tuy nhiên, do tình hình mới có nhiều khó khăn về kinh phí cuối cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam thu hẹp phạm vi hội thảo từ dự định tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2008 nay chỉ tổ chức được ở một địa điểm duy nhất tại Hà Nội với nhiều tham luận của các nhạc sĩ phía Nam cùng một số địa phương khác. 

Kính thưa quý vị đại biểu,

Các bạn đồng nghiệp quý mến, 

Khi nói đến thực trạng âm nhạc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI và đặc biệt sau ngày Việt Nam gia nhập WTO là chúng ta đã chạm đến vấn đề tác động của toàn cầu hóa.

Khái niệm “ngôi làng trái đất”, “thế giới phẳng” đã chỉ rõ ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt là kinh tế và sau đó là xã hội và văn hóa khi có biến đổi, giao động của nền kinh tế của các quốc gia lãnh thổ, nhất là những nước lớn.

Vấn đề sụt giảm Đô la, giá vàng tăng, giá dầu lên vùn vụt đã ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia.

Tác động về kinh tế, xã hội nhãn tiền khi đất nước ta vừa phải chống lạm phát song song với phát triển kinh tế và nâng cao mức sống.

Trong lĩnh vực văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng từ năm 1986 là năm bắt đầu mở cửa đến nay mức độ chi phối và tác động to lớn của văn hóa đại chúng, âm nhạc đại chúng, âm nhạc giải trí ngày càng sâu rộng.

Trên các phương tiện nghe nhìn, các chương trình biểu diễn ở tại các tụ điểm âm nhạc, trung tâm văn hóa, nhạc nhẹ (Estrade) chiếm độc tôn choáng tất cả giờ vàng (từ 20h đến 22h đêm). Khán thính giả chỉ có thể thưởng thức dân ca, âm nhạc truyền thống dân tộc, âm nhạc giao hưởng từ sau 23h đêm và các bài hát truyền thống chỉ vang lên ở các cuộc hội diễn.

Ca khúc vốn là thế mạnh của âm nhạc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có tâm hồn thơ, tiếng Việt giàu thanh điệu, những thành tựu của ca khúc tiền chiến và đặc biệt ca khúc chống Pháp, chống Mỹ xây dựng đất nước xứng đáng là những tượng đài bằng âm thanh. Ca khúc là người lính xung kích.

“Cái ta”, “cái chúng ta” đối lập với địch với thử thách của dân tộc đã được ca khúc Cách mạng như từng gọi “tiếng hát át tiếng bom” là những trang ca bất tử. Hòa bình lập lại ngoài cái ta, cái chúng ta còn có những ngõ ngách riêng cho nhiều người, từng người và tình ca lên tiếng. Trong xu thế toàn cầu hóa, tiếp nhận văn hóa đại chúng, âm nhạc đại chúng, âm nhạc giải trí một cách không chọn lọc, giới trẻ Việt Nam đang đứng trước một nguy cơ mất thói quen nghe nhạc lành mạnh, không còn trân trọng những âm điệu dân tộc độc đáo giàu màu sắc hoặc những ấn tượng về nhạc giao hưởng thính phòng suy tư sâu sắc.

Tất cả cuốn theo giòng thác “Âm nhạc đại chúng” Pop – Rock, Rap.v.v… được những ca sĩ ngôi sao, dàn nhạc hàng đầu, hãng băng đĩa lớn của các siêu cường kinh tế dàn dựng và quảng bá.

Ở Việt Nam cũng không ngoài xu thế đó, nó còn tệ hại hơn do không được hướng dẫn, học hành đến nơi đến chốn, các cây bút trẻ viết bài hát theo đơn đặt hàng của các hàng băng đĩa vụ lợi, các ca sĩ trẻ muốn mau thành danh, nhiều ca khúc rẻ tiền đã ra đời. Sự dễ dãi của các Sở Văn hóa nhiều tỉnh thành đã giúp cho việc phát hành những ca khúc kém chất lượng.

Các nhạc sĩ có tay nghề, có tuổi đời vẫn viết theo con đường họ đã đi, chúng ta vẫn thấy họ xuất hiện ở các đợt viết cho các cuộc thi của Hội, của ngành, của tỉnh. Chẳng hạn viết về gia đình, về Bưu điện, Đoàn TNCS, về Công đoàn, về nhà giáo, ngành Y… và mới đây rầm rộ hơn là đợt tham gia sáng tác cho Tổng cục Dầu khí.

Một vài năm gần đây Trần Tiến với “Mưa bay Tháp cổ”, Nguyễn Cường với “Thành phố miền Quan Họ”, Phó Đức Phương với “Vũ điệu con cò” hoặc nhạc sĩ lão thành Lê Tịnh tham gia bài hát Việt với ca khúc “Ngồi hát mùa Đông”.

Bài hát Việt đã thu hút các nhạc sĩ trẻ 7,8,9 X cố gắng cách tân về đề tài, tiết tấu, giai điệu, cách phối âm và dàn dựng như Giáng Son với “Giấc mơ trưa”, Lưu Giang Hương với “Quạt giấy”, Lưu Hà An với “Con cò”, Võ Thiện Thanh với “Chuông gió”. Đặc biệt là 2 gương mặt nữ mới đôi mươi: Lê Uyên Hoa và Sa Huỳnh.

Ca khúc đương đại Việt Nam còn phải có sự kết hợp nhuần nhuẫn giữa đề tài với nhiều góc cạnh của đời sống, giữa giai điệu dân tộc và những yếu tố thế giới, những điều mà thế hệ cha anh chúng ta những năm 30 của thế kỷ trước làm được.

Nói đến “khí nhạc Việt Nam hôm nay và ngày mai”, chúng ta không thể không nhắc đến thời kỳ hoàng kim của khí nhạc Việt Nam những năm 60 của thế kỷ XX.

Trong hoàn cảnh đất nước chia cắt và tiếp đến là chống Mỹ cứu nước. Nhà hát giao hưởng ca và nhạc kịch Việt Nam đã dàn dựng nhạc kịch “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của Đỗ Nhuận; “Bên bờ Krong Pa” của Nhật Lai; các giao hưởng thơ “Đồng Khởi” của Nguyễn Văn Thương; “Lửa Cách mạng” của Trần Ngọc Xương rhapso dy “Bài ca chim Ưng” của Đàm Linh; giao hưởng nhiều chương “Quê hương” của Hoàng Việt; “Miền Nam tuyến đầu” của Chu Minh, “Cây đuốc sống” của Nguyễn Đình Tấn.v.v…

Bên cạnh đó là những tác phẩm cho dàn nhạc dân tộc của Hoàng Đạm, Trần Quý, Huy Thư.v.v…

Những năm gần đây, thành tựu về biểu diễn giao hưởng của các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội, dàn nhạc giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh hết sức to lớn. Các dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam đã có một trình độ khá cao trong bảng tổng sắp của châu Á và đã nhiều lần xuất ngoại. Nhưng sáng tác cho giao hưởng thính phòng hàng năm vẫn có đầu tư của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có tác phẩm dự thi ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhưng vẫn còn thưa thớt, chưa có những tác phẩm gây tiếng vang mạnh mẽ, chưa có những cách tân mang tính đột phá. Các sáng tác khí nhạc của Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Hoàng Dương, Hoàng Cường, Nguyễn Văn Nam, Đặng Hữu Phước, Trọng Đài… Dù gây được vang vẫn là những cây bút cũ, ít thấy những chân dung mới, những khuôn mặt trẻ mới.

Đội ngũ nhạc sĩ trẻ viết giao hưởng quá ít, các sinh viên sáng tác ở các nhạc viện không thật sự say sưa với nghề nghiệp và ít triển vọng.

Nếu chúng ta chọn những tác phẩm của các nhạc sĩ U.20, U.25 đang ngồi ghế nhạc viện để gửi dự các kỳ thi nhạc giao hưởng thính phòng dành cho nhạc sĩ trẻ thế giới nhất định sẽ rất khó khăn.

Những cái chưa được của âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam trong lĩnh vực sáng tác ngoài đội ngũ kế thừa mong manh thì vấn đề nổi cộm hiện nay là bút pháp.

Những Concert cho nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc giao hưởng của Quang Hải, những cố gắng cách tân của Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc vẫn còn là những hiện tượng rời rạc trong một tổng thể sáng tạo giao hưởng thính phòng ở Việt Nam.

Ở những nước có nền khí nhạc rực rỡ nhiều phong cách và họ có thể quay trở lại một kiểu cũ như Rococo, hay Baroco là chuyện thường tình.

Nhưng ở Việt Nam nếu chúng ta vẫn duy trì sáng tác âm nhạc có điệu tính và dàn nhạc 2,3 quản kiểu cổ điển có phải là bảo thủ không? Có nên ra đời một ban nhạc mở kiểu dàn nhạc thể nghiệm rất cần thiết cho những nhạc sĩ muốn sáng tạo không theo khuynh hướng cổ điển.

Và cũng nên có những hội thảo nhỏ, những tọa đàm xung quanh một tác phẩm khí nhạc mới ra đời.

Nói chung, chúng ta chưa sống trong một không khí “giao hưởng thính phòng” rộng mở và thường xuyên.

Trong xu thế toàn cầu hóa, âm nhạc đại chúng, âm nhạc giải trí lên ngôi, việc tài trợ cho nhạc giao hưởng thính phòng sắp đến sẽ còn eo hẹp hơn và là những thách thức không nhỏ cho những ai sáng tác khí nhạc. Họ sẽ là những người Mohican cuối cùng của giòng giao hưởng thính phòng Việt Nam.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam mấy năm qua đã kết nạp nhiều hội viên có nhiều đóng góp cho địa phương, cho phong trào âm nhạc quần chúng và ít nhiều chưa chọn được những nhà giao hưởng trẻ trở thành thành viên tích cực cho một trào lưu khí nhạc mới.

Nếu chỉ trông vào hoạt động của Hội, trông vào khuyến khích của các nhạc viện chưa đủ.

Đảng, Nhà nước có lẽ cần quan tâm đến việc nâng cao dân trí tạo sự cân bằng thưởng thức giữa âm nhạc giải trí với âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc, âm nhạc giàu suy tư của giao hưởng thính phòng.

Ngoài việc đặt hàng của các cơ quan Nhà nước, nên có một chính sách khuyến khích các nhà tư sản, các doanh nghiệp tài trợ cho nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc dân tộc. Những người tài trợ ấy sẽ được miễn thuế, được tôn vinh.

Trên đây chỉ là những gợi mở bởi khí nhạc không chỉ với nhạc cụ giao hưởng mà còn với nhạc cụ dân tộc. Việc cải biến nhạc dân tộc, phối hợp nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ điện tử… vẫn là những mối bận tâm và tranh luận của nhiều thế hệ nhạc sĩ.

Rất mong sự đóng góp ý kiến của quý Đại biểu và đồng nghiệp trên những vấn đề nóng hổi âm nhạc Việt Nam hôm nay.

 
 
+ Các bản tin khác
     - "Nhịp điệu Xuân" tháng 4 tại Hà Nội
     - “Nhịp điệu xuân” sự hòa hợp giữa xẩm và rock.
     - Tổng hợp tình hình hoạt động của các chi hội phía Nam
     - Chi hội NS Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức đại hội nhiệm kỳ III
     - Ấm áp đêm “Ngọc Trai Đỏ”
     - Lễ ra mắt chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Nai
     - Đại hội thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt nam tỉnh Bắc Ninh
     - Chương trình biểu diễn nghệ thuật “nhịp điệu xuân” ngày 2,3/4/2009 tại nhà hát lớn Hà Nội
     - Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền trung lần II tại TP Vinh từ 19 đến 22 tháng 2 năm 2009
     - Giải thưởng Hội NSVN năm 2008
 

THÀNH VIÊN

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:

MỚI CẬP NHẬP

Xem Tiếp...