QUẢNG CÁO

Có một thế giới tên là Chopin

[23-08-2006 12:23:49 - vnmusic.com.vn]

(Ns. Nguyễn Thuỵ Kha)

Nếu cha tôi sinh sau F.Chopin một thế kỷ thì tôi lại sinh sau ngày mất của "Nhà thơ bằng âm nhạc" này cũng tròn 100 năm. Một con người sinh năm 1810 và mất năm 1849 tức là ông sống thọ 39 tuổi mà để lại một thế giới bất tử những bài thơ làm bằng âm nhạc quả là hiếm có.

Năm 10 tuổi, tôi đã thuộc lòng "Nỗi buồn Chopin" hay còn gọi là "Nhạc buồn". Năm 20 tuổi, tôi đã chơi thành thạo nỗi buồn này trên một bản chuyển soạn cho guitare khá ấn tượng. Tên của F.Chopin lọt vào trong danh sách các nhạc sĩ vĩ đại mà tôi ngưỡng mộ như J.S.Bach, W.A.Mozart, L.V. Beethoven, F.Schubert, F.List…

(Ns. Nguyễn Thuỵ Kha)

Nếu cha tôi sinh sau F.Chopin một thế kỷ thì tôi lại sinh sau ngày mất của "Nhà thơ bằng âm nhạc" này cũng tròn 100 năm. Một con người sinh năm 1810 và mất năm 1849 tức là ông sống thọ 39 tuổi mà để lại một thế giới bất tử những bài thơ làm bằng âm nhạc quả là hiếm có.

Năm 10 tuổi, tôi đã thuộc lòng "Nỗi buồn Chopin" hay còn gọi là "Nhạc buồn". Năm 20 tuổi, tôi đã chơi thành thạo nỗi buồn này trên một bản chuyển soạn cho guitare khá ấn tượng. Tên của F.Chopin lọt vào trong danh sách các nhạc sĩ vĩ đại mà tôi ngưỡng mộ như J.S.Bach, W.A.Mozart, L.V. Beethoven, F.Schubert, F.List…Năm 1980, có một nghệ sĩ dương cầm Việt Nam đã đoạt giải nhất cuộc thi mang tên F.Chopin lần thứ 10. Đó là Đặng Thái Sơn. Năm 2004, cô cháu ngoại bậc tài danh Văn Cao tên là Lê thanh Thảo cũng vừa đoạt giải trong cuộc thi concours toàn Ba Lan (quê hương F.Chopin). Nhưng điều quan trọng nhất để tôi cảm thấy những lý do nói trên cho tôi gắn bó với ông chính là khi tình cờ, tôi được đi trong thế giới mang tên ông vào mùa thu vàng năm 2004.

Tôi đến biệt thự F.Chopin ở Zelazwa Wola cách Warsawa chừng 30 cây số vào một sớm thu vàng. Một màu vàng ươm của biệt thự đã cuốn tôi ngược về thời gian sống của F.Chopin.

Nơi đây, nơi tôi đang đứng, F.Chopin đã sinh ra vào ngày 22 tháng 2 năm 1810. Ông là kết quả tình yêu của ông bà giáo sư Mikolaj Chopin và Justyna Krzyano Waska của lâu đài bá tước Skarbek. Khu lâu dài này giờ đây là biệt thự F.Chopin. Có tới đây nhìn màu vàng ươm của lá rụng trên thảm cỏ xanh, nghe tiếng suối róc rách đâu đó mới thấy rằng không chỉ được kế thừa những tinh túy từ cha mẹ mà cả 4 năm đầu đời F.Chopin chìm ngập trong không gian này đã tạo nên một thiên tài âm nhạc sau này. Việc F.Chopin có một đêm xuất thần ra một ứng tác trên dương cầm vào năm 6 tuổi ở căn nhà tại Warsaw khi chưa hề học nhạc cũng là kết quả dinh dưỡng từ Zelazowa Wola quyến rũ lạ thường. Nơi đây, từ trong nhà đến ngoài vườn, sự tái hiện một không gian F.Chopin khiến ta có cảm giác như F.Chopin đang lớn dần bên ta với những bước chân tung tăng thơ nhỏ, rồi trầm tư thở dài bên ta trong bàn tay của tuổi 20 trĩu nặng nắm đất tổ quốc Ba Lan trước khi quyết định sang Paris - kinh thành ánh sáng.

Sau sự xuất thần trên của con, cha mẹ F.Chopin đã gửi gắm cậu bé cho thày dạy dương cầm Wojriech Zywny - một tín đồ từ xa của J.S.Bach. Học thầy được một năm, 7 tuổi, F.Chopin đã viết bản "Polonaise cung Sol thứ" - một sáng tạo đầu tiên của một sự nghiệp thiên tài. Bản nhạc đã được in trên báo Warsaw ngay lập tức và giờ đây còn được lưu giữ tại bảo tàng F.Chopin tại Ostrogski Castle tại Warsaw. Cũng năm đó, hưng phấn sáng tạo đầu tiên, F.Chopin còn viết tiếp bản "Polonaise cung si giáng trưởng" và "Hành khúc quân đội", 11 tuổi, F.Chopin đã viết bản "Polonaise cung la giáng trưởng" còn gọi là bản "Polonaise trong phòng lớn" tặng cho thầy học với lời đề tặng kính trọng. Bản Polonaise này cũng được lưu giữ tại bảng tàng F.Chopin ở Warsaw. Đó là món quà tạm biệt thầy trò. Biết khả năng mình, thầy Wojciech Zywyny đã giới thiệu F.Chopin cho nhạc sĩ Józef Elsner - giám dốc trường âm nhạc Warsaw rất nổi tiếng, chính ông tiếp tục dinh dưỡng trong F.Chopin ý thức dân tộc qua việc tìm hiểu các bản dân ca, dân vũ để những giai điệu đó trở thành nguồn sáng tạo vô tận trong sự nghiệp của F.Chopin. Lúc ấy, đã qua thời Phục Hưng đến hai thế kỷ rưỡi. Hoạt động âm nhạc trong thời gian dài chỉ xoay quanh ba trung tâm lớn là Ý, Pháp và vương quốc Áo - Phổ. Sự độc quyền này đã đè nặng suốt thời gian trên. Nhưng đến giữa thế kỷ XIX, F.Chopin cùng F.List và Glinka được hình thành từ văn hóa dân tộc đã dân tộc hóa âm nhạc Tây Ây. F.Chopin trở thành nhạc sĩ tiêu biểu của trường phái lãng mạn với sự độc đáo, đặc sắc kiểu F.Chopin.

Những năm sống ở Ba Lan, ngoài thời gian ở Warsaw, F.Chopin còn đi đến nhiều làng quê, để nghe những người nông dân hát và nhảy múa. Đó như một niềm vui của ông. Vào năm 1827, sau khi cô em gái út Emilia Chopin bị chết, F.Chopin theo gia đình về vùng kinh đô cổ Krakow. Đấy là những năm tháng ra đời những bản Waltz, Mazurka, Nocture, Polonaise và những concerto bất hủ. Ở Krakow, F.Chopin đã từng chui sâu xuống bảo tàng mỏ muối uống rượu và chơi dương cầm biểu diễn bên hồ nước tận cùng của mỏ muối. Tôi đã đi theo lối đi của ông và tần ngần ứa lệ bên hồ nước khi nghe bản nhạc buồn của ông do dàn nhạc tấu lên giữa tiếng rơi của những tảng muối khác lạ đến kinh ngạc.

Tôi bước vào nhà thờ Holy Cross (tiếng Ba Lan là Kosciot 'sw Kryza) nơi lưu giữ trái tim F.Chopin khi dàn đồng ca nhà thờ đang vang lên những giai điệu thánh ca vang vọng và trầm ấm. Chợt gai buốt một tiếc thương gì không rõ rệt khi nhìn lên bức tường khắc tên ông thì bên kia khắc tên nhà thơ bạn ông Adam Mickiewiez. Bỗng nhớ câu thơ Tố Hữu trong bài Em ơi! Ba Lan: "Có phải Chopin tình chứa chan - Nâng đàn ca cô gái Ba Lan - Có phải Adam hồn vĩ đại - Bay trên đầu thế kỷ nhân gian".

Tôi tới công viên Lazienki nơi luôn luôn tràn ngập âm nhạc F.Chopin và thấy như từng chú sóc bé của rừng công viên cũng lắng nghe thứ âm nhạc siêu phàm này. Âm nhạc F.Chopin như rộng ra ngoài giới hạn của công viên cổ kính và tràn trề thiên nhiên này.

Theo dấu chân F.Chopin khi xưa, không tới được Vienna nhưng tôi đã tới Berlin để kịp nhận ra nơi vòm nhà hát Opera Royal những gặp gỡ mến thân của F.Chopin với nghệ sĩ opera Italia nổi tiếng Spontini, với Zelter và đặc biệt là với F.Mendelssonhn - tác giả bản giao hưởng "Italia" kỳ diệu.

Cũng theo dấu chân ông, chưa tới được London nhưng tôi đã tới Paris để nghiêng mình trước nấm mộ thân thể ông có rắc bụi đất Ba Lan ông đựng trong chiếc cốc bạc mang theo những năm tháng tha hương ở Pháp tại nghĩa trang Chalathaise và có cảm giác như ông đang nằm mơ màng trong căn nhà ở Place Vedôme 12 nghe bà bá tước Delfina Potorka - người đã từng thanh thoát trong concerto cung phá thứ của ông - hát và chơi đàn cho ông thiếp đi trong phòng ngủ một giấc ngủ vĩnh hằng.

Thế giới của ông đã cho tôi vụt thoát ra những con chữ ngưỡng mộ ông thành những vần thơ:

"Những chiếc lá vàng rơi những nốt nhạc tổng phổ loang loanh cỏ xanh.

Vườn nhà Chopin lặng im choán ra ngoài giới hạn

Chỗ này như Chopin từng đứng tần ngần trước giờ ly hương lâu lắm

Chỗ này hình như Chopin từng ngước mắt nhìn trời khi nảy sinh giai điệu lạ trong mình

Thiên tài! Đời kỳ lạ vô chừng tôi như gặp được ông

Khi nhón chân vặt một trái táo nhỏ

Ăn ngon lành bên chiếc đàn xưa cũ

Chiếc dàn còn rung ngân những dạ khúc xuất thần

Thiên tài! Tôi đã đến công viên Lazienki chú sóc bé níu chân

Trong bàng hoàng nhạc Chopin choáng ngợp

Tôi đã đến thành kính vòm nhà thờ nơi trái tim ông như còn đang đập

Đắm chìm trong âm vọng thánh ca

Thiên tài! Tôi đã chui xuống lòng đất sâu 300 thước ẩm mờ

Muối mỏ Krakow còn mặn dáng hình ông chơi đàn rồi uống rượu

Và bất chợt thấy trái tim ông tan ra thành hồ nước tràn đầy giai điệu

Biết nỗi buồn ly hương của ông còn buốt giá muôn đời

Thiên tài! Tôi đã đi theo cô gái Ba Lan mà ông ngợi ca để đọc tên bạn tôi

Đặng Thái Sơn - danh cầm Việt Nam nhờ ông mà nổi tiếng

thấy ông đang hồi sinh nơi những ngón tay cháu gái

Lê Thanh Thảo rắc mưa trên hàng phím

Ngỡ bàn tay ông từ tượng cứng, mềm ra…"

 
+ Các bản tin khác
     - Bài hát Việt tiếp tục hành trình năm thứ 3
     - Trần Lập hát chung với ngôi sao nhạc rock Italy
     - Nhạc sĩ Quốc Trung rút khỏi Hội đồng thẩm định Bài hát Việt
     - Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn
     - Nguyễn Ngọc Thiện ôn lại 'Những khúc tình ca'
     - Quang Dũng tặng độc giả 10 CD 'Khi'
     - Hồ Quỳnh Hương xuất "chiêu" mới!
     - Liveshow MTV rực sáng giữa lòng bè bạn
     - 'Nhịp sống 360' - đêm nhạc dân gian và hiện đại
     - Phương Linh: 'Hãy làm bạn với tôi, bạn sẽ hiểu'
 

QUẢNG CÁO

THÀNH VIÊN

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:

THĂM DÒ DƯ LUẬN

QUẢNG CÁO



   Đặt VNMusic.com.vn làm trang chủ              Thêm vào danh sách website yêu thích

   Về VNMusic.com.vn         Quy Định Về Việc Sử Dụng         Thỏa Thuận Sử Dụng