Để khẳng định tên tuổi tại mảnh đất đã có quá nhiều nhân tài như TP HCM không phải là điều đơn giản, nhưng nhờ những nỗ lực bản thân và sự tự tin, Vân Trường đã dần dần thuyết phục được thị hiếu của khán giả. Kết quả là Vân Trường đã tạo được chổ đứng trong lòng khán giả.
Ngoại hình đẹp, giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, Vân Trường từng được nhắc đến khi ca khúc Kiếp ve sầu trở thành hiện tượng trên thị trường băng đĩa nhạc năm 1999. Nhưng dường như anh thiếu chút may mắn để nổi bật lên như Đan Trường thời gian đó. Mãi đến năm 2001, sau 9 năm ca hát, anh mới khẳng định được mình với giải Ca sĩ được yêu thích nhất trong top Làn Sóng Xanh.
Cuối năm 1999, Vân Trường tình cờ nhận được ca khúc Chân tình của nhạc sĩ trẻ Trần Lê Quỳnh. Ca khúc có ca từ và giai điệu đẹp. Khi nghe Vân Trường hát thử, Trần Lê Quỳnh rất xúc động. Nhờ có sự giúp đỡ của nhạc sĩ Quốc Bảo, ca khúc được hoàn thiện và theo Trường đi khắp các tụ điểm phòng trà ca nhạc.
Khi biết tin được giải Làn Sóng Xanh, Vân Trường vui thật khó tả. Anh mất ngủ mấy đêm liền, suy ngẫm lại những ngày tháng đã qua, những khó khăn trắc trở... Người hạnh phúc hơn cả chính là mẹ anh. Bao nhiêu năm, người mẹ góa bụa đã kiên trì động viên con trai.
Giải thưởng top Làn Sóng Xanh 2001 là món quà an ủi, bù đắp phần nào cho những vất vả mà chàng ca sĩ này trải qua thời thơ ấu. Vân Trường sinh ra trong một gia đình lao động nghèo. Khi cậu còn nhỏ xíu thì cha bị bệnh nặng qua đời. Vì vậy, ở tuổi ngoài 30, mẹ Trường phải tần tảo nuôi 7 đứa con ăn học. Vân Trường rất mê ca hát. Thời học sinh, thỉnh thoảng cậu trốn tiết đến các tụ điểm ca nhạc ngoài trời như Bách Tùng Diệp xem ca sĩ biểu diễn trên sân khấu rồi về nhà bắt chước. Mẹ vì quá bận lo kiếm sống nên không quan tâm đến năng khiếu của con. Bản thân anh do nhút nhát, hay xấu hổ nên cũng chẳng bao giờ tham gia văn nghệ. Mãi đến năm lớp 12, trường tổ chức cắm trại, cậu học sinh Vân Trường mới mạnh dạn xin hát thế chỗ một ca sĩ nghiệp dư bỏ cuộc. Lúc ấy, thày cô và bạn bè rất ngạc nhiên khi phát hiện ra Trường hát tuyệt hay. Chuyện hát hò tưởng dừng lại ở sự kiện này như một nốt nhạc vui trong đời học sinh, không ai nghĩ anh lại theo đuổi nghề ca sĩ chuyên nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1991, thi trượt đại học Vân Trường ghi danh học thanh nhạc ở lớp học do cô Thanh Trì (giảng viên nhạc viện Thành Phố) phụ trách và tự học thêm về đàn guitar. Suốt hai năm miệt mài, vốn có năng khiếu và lòng say mê, lại chịu khó học hỏi, Vân Trường đã tích lũy được những kiến thức căn bản cần thiết cho nghề ca sĩ. Năm 1993, Vân Trường tham gia cuộc thi Những tiếc mục xuất sắc tuyển chọn ca sĩ trẻ của Nhà hát Hòa Bình. Với thành công khi trình bày ca khúc Khi ta 20 (hát chung với ca sĩ Thùy Trang). Vân Trường đã trúng vào danh sách mấy chục ca sĩ trẻ được chọn trên cả ngàn thí sinh dự thị Cứ ngỡ rằng gặp may, nhưng thực sự đối với Vân Trường sự may mắn là không có thật. Anh trở thành ca sĩ hợp đồng ở nhà hát Hòa Bình sau cuộc thi, nhưng mãi vẫn chỉ đóng vai một người hát bè. Những nỗi đắng cay, áp lực tâm lý của một ca sĩ trẻ chập chững vào nghề Vân Trường tưởng chừng như không chịu nỗị Chán nản, Vân Trường bỏ đi lang thang hát trong các tụ điểm, quán cà phệ... Đã có lúc anh chuyển qua làm nghề khác, nhưng rồi vẫn quay lại với nghê ca hát. Năm 1997, Vân Trường thu âm bài hát Chia Tay Mong Gặp Lại (nhạc Hoa, lời Việt của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện). Đặt vào nhiều hy vọng, nhưng dư âm của bài hát lúc đó thật mờ nhạt, tưởng chìm vào lãng quên. Hơn một năm sau, chính Vân Trường cũng ngỡ ngàng khi biết bài hát đã đổi tên thành Kiếp Ve Sầu được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Và khi album Kiếp Ve Sầu bán rất chạy trên thị trường băng nhạc thì cái tên Vân Trường đã thực sự tạo được ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.
27 tuổi, Vân Trường vẫn sống cùng mẹ trong căn nhà hẹp. Yêu trẻ nhỏ, anh nhận hai đứa con nuôi rất dễ thương nhưng trái tim vẫn còn bỏ ngỏ. Anh ngập ngừng đặt tiêu chuẩn: chỉ cần người ấy yêu mình thật lòng.
Album đã ra mắt: Lặng lẽ... xe thời gian.
Theo: Nhipcauamnhac
|