Cứ mỗi độ xuân về, những giai điệu quen thuộc của bài hát Gái Xuân lại vang lên: “Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần. Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở. Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”. Người "có công" phổ nhạc cho lời thơ của Nguyễn Bính chính là nhạc sĩ Từ Vũ.
Nhạc sĩ kể: “Xuân Quý Tỵ (1953) tôi đang học lớp điện tử trong khuôn viên trường Pétrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ). Lúc đó tôi 21 tuổi, sống xa gia đình, không bạn bè giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội. Buồn, chỉ biết lấy sách báo ra đọc. Tình cờ tôi đọc thấy Gái xuân - bài thơ ngắn chỉ có 2 khổ nhưng lại có một ma lực dẫn dắt tâm trí tôi quay về cố hương ở Thường Tín, Hà Đông. Tôi đọc bài thơ chỉ dăm lần là đã ngấm, cầm bút giấy viết luôn một mạch và xướng âm cho đến lúc bản nhạc hoàn tất, sau đó mới dùng guitar để thẩm âm lại. Vì bài thơ quá ngắn nên khi viết Gái xuân, tôi đã thêm 2 câu: Xuân đi, xuân đến hãy còn xuân/Cô gái trông xuân biết bao lần để bài hát đủ độ dài thích hợp".
Ngoài Gái xuân, Từ Vũ viết khoảng 20 ca khúc nữa và những ca khúc này đều do ông tự thể hiện. Ngoài ra, ông thích đặt lời Việt cho một số ca khúc nước ngoài, trong đó có những bài hát đã trở nên phổ biến tại Việt Nam từ năm 1957 như Cánh bướm vườn xuân (Le Carisier et le pomier), Cánh buồm xa xưa (La Paloma…). Con gái ông vừa đầu tư thực hiện đĩa CD Gái xuân gồm 10 ca khúc trong đó có các bài Mưa cao nguyên (thơ Hoàng Hương Sơn), Mưa tháng 6 (thơ Thường Đoan) và Mưa đời lãng du (thơ Trần Hữu Ngư).
Theo: Báo Thanh Niên
|
GÁI XUÂN
Nhạc: Từ Vũ - Thơ: Nguyễn Bính
Em như cô gái hãy còn Xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân
Xuân đi, Xuân đến, hãy còn Xuân
Cô gái trông Xuân đến bao lần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân
Lòng Xuân lơ đãng, má Xuân hồng
Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi tám Xuân đi trên mái tóc
Đêm Xuân cô ngủ có buồn không?
Em như cô gái hãy còn Xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân
|