Nhạc sĩ Hoàng Hà giới thiệu về bài hát “Đất nước trọn niềm vui”
Bài hát viết ra và hoàn thành ngay trong một ngày đêm 26/4/1975. Lúc đó, tôi đang làm việc ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Gia đình tôi ở Yên Phụ Hànội. Đến thời điểm đó, tôi chưa một lần vào miền Nam, chưa biết Sài Gòn là thế nào. Từ giữa tháng Tư ấy, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động. Từ sau chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, bộ đội ta đánh xuống đồng bằng, thần tốc tiến vào Nam, tin chiến thắng dồn dập hằng ngày. Trong cơ quan Đài, chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng náo nức, rạo rực. Lắm lúc rất nóng ruột, tôi lại chạy ra ban-công nhìn xuống đường. Trên đường phố cũng như vậy, tràn ngập một không khí phấn khởi, người qua lại dường như ai cũng khẩn trương hơn, hoạt bát hơn. Nhiều hôm tôi không về nhà nữa mà ở lại cơ quan để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử. ấy thật sôi động, hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng.
Thế nhưng, nếu chỉ có cảm xúc trước bối cảnh như trên ở Hà Nội, còn Sài gòn tôi chưa bao giờ đến, thì chắc bài hát đã có một hình dạng khác. Sở dĩ "Đất Nước trọn niềm vui" hình thành được như thế, chính là kết quả của cả một quá trình tích lũy, gần thì phải kể từ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, xa hơn, là trước nữa. Nhiều yếu tố cộng lại dần dần để rồi bùng phát ở một thời điểm.
Năm 1968, những sự kiện có ấn tượng mạnh đã khiến tôi ngày đêm tập trung nghĩ về Miền Nam. Đầu năm, xúc động trước bốn câu Thơ Chúc Tết của Bác, tôi đã viết luôn 2 ca khúc "Lời sông núi giục giã" và "Xông lên giải phóng Miền Nam".
Từ khi cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân nổ ra, tâm trạng chung của anh chị em nhạc sĩ đang công tác ở Đài Phát thanh đều hướng tới một ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đều tin chắc rằng sẽ đến một ngày như vậy.
Tháng 2/1968, cơ quan CP90 chính thức huy động tôi, cho phép lấy tư cách một nhạc sĩ trong hàng ngũ cách mạng ở miền Nam sáng tác ca khúc để sử dụng trên Đài Phát thanh "Giải phóng". Đối với tôi, đó là một vinh dự rất lớn, sau niềm vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới này, thực tình tôi cũng lo. Viết ra bài hát thì không khó. Nhưng viết thế nào để nó có linh hồn, để mọi người chấp nhận nó, thật không dễ. Muốn làm được tốt, phải có vốn sống, có thực tế. Tôi sẽ viết về những sự kiện, tâm tình của đồng bào tôi ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn... Phải viết về những vùng đô thị ; vùng núi rừng khắc nghiệt của Khu 5, Khu 6 ; vùng sông rạch chằng chịt ở đồng bằng sông Cửu Long... Tất cả những nơi ấy, tôi chưa được đặt chân tới. Chỉ có cách là phải ra sức tìm hiểu, hỏi han, đọc tài liệu, để biết tất cả những điều mình chưa biết, và quan trọng hơn, là phải ngày đêm dành những tình cảm thân thiết nhất nghĩ về miền Nam, về vùng đất, về con người nơi ấy, như nghĩ về những người ruột thịt của mình.
Cơ quan CP90 đã dự liệu điều đó, thường xuyên triệu tập tôi đến, cung cấp những thông tin mới luôn diễn biến về cuộc sống đời thường và hoạt động đấu tranh của đồng bào, đặc biệt là những câu chuyện về "đội quân tóc dài", về những trận chiến đấu của Giải phóng quân, những âm mưu tàn bạo cũng như tình thế dao động lúng túng của Mỹ - Ngụy. Bộ phận Binh vận tổ chức cho tôi tiếp xúc với số tù hàng binh miền Nam, giúp tôi hiểu biết thêm về con người và tâm tư binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn.
Ngay thời điểm này, có một chuyện để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc. Đó là đêm 04/4/1968, tôi đến xem "Đoàn Văn Công Giải phóng" biểu diễn báo cáo tại Nhà Hát Lớn Hà Nội sau một chuyến đi lưu diễn giới thiệu ở một số nước bạn trở về. Trong chương trình, có mấy điệu Hò, điệu Lý miền Nam. Lần đầu tiên tôi được nghe điệu "Hò Đồng Tháp" do nghệ sĩ Bích Hường trực tiếp thể hiện. Hôm ấy nghe sao hay thế, nó mênh mang, man mác, trữ tình, say đắm, mà dân dã, giản dị, rất Việt Nam, đầy một tâm hồn nhân ái. Tôi nghĩ, chỉ những điệu "Hò" như thế đã đủ để hình dung cốt cách con người lao động điển hình của miền Nam. Sau buổi diễn, tôi cứ vương vấn mãi với mấy điệu Hò điệu Lý, nó khắc vào tình cảm tôi một hình tượng đặc thù về vùng đất và con người miền Nam không thể nào quên.
Với những tích lũy đầu tiên ấy, tôi sử dụng một bút pháp mới thích hợp hơn với hoàn cảnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam, lấy bút danh thứ hai là Cẩm La tên một thôn ở vùng hậu địch Vĩnh Phúc đã lưu kỷ niệm chống càn ác liệt đối với tôi năm 1952 - 1953, dùng chất liệu là những điệu Hò, điệu Lý dân ca Trung - Nam bộ, đã viết nhiều ca khúc phục vụ các đối tượng theo yêu cầu do CP90 đề xuất Nhiều sáng tác của tôi đã được phát trên Đài "Giải Phóng" như "Xuống đường", "Học sinh sinh viên toàn miền Nam đi lên !", "Hò tải đạn" (dân công), "Phất cao lá cờ tiền phong Cách mạng" (công nhân), "Có chúng tôi đáp lời" (trí thức), "Cùng hành quân giữa mùa Xuân" (Giải phóng quân), "Thao thức" (vận động cảnh sát ngụy), "Đón anh giữa mùa mai nở" (vận động binh sĩ ngụy), v.v...
Cùng thời điểm ấy, tôi lại được giao một công tác đặc biệt, là phải động não sâu sắc để tìm tòi, phát hiện, tổ chức ghi âm, thực hiện những Chương trình Ca nhạc theo một yêu cầu riêng, gọi là "chương trình ca nhạc Gửi đi", không dùng để phát thanh, phải tuân thủ 3 tiêu chí nghiêm ngặt : Dân ca các miền, ưu tiên dân ca miền Nam, do nghệ nhân dân gian hát thì đạt yêu cầu hơn là giọng ca sĩ chuyên nghiệp ; các sáng tác của miền Nam và về miền Nam ; và tiếng hát của các cháu Thiếu nhi, Mẫu giáo với các bài xoay quanh 5 điều Bác dạy. Các hình thức khác và nội dung tuyên truyền thời sự không đưa vào loại chương trình này. Mỗi chương trình khi thực hiện xong, tôi phải giao ngay cho người được chỉ định trực tiếp phụ trách là đồng chí Trần Châu để gửi đi.
Tôi rất phấn khởi vì "3 tiêu chí nghiêm ngặt" ấy chính là mục tiêu mà mỗi người sáng tác đều phải trau dồi, tích lũy, càng nhiều càng tốt. Thế nhưng, cũng thắc mắc. Gửi đi đâu nhỉ ? để làm gì ? Có lần tôi hỏi anh Trần Châu, anh cười, chỉ nói ngắn gọn "Lệnh của Bộ Biên tập". Mãi đến khi Bác mất, tôi mới được biết những "chương trình ca nhạc Gửi đi" tôi làm là gửi lên Văn phòng của Bác, để Bác nghe sau những giờ làm việc mỏi mệt. Công việc này đã giúp tôi phải tập trung suy nghĩ về chiến trường miền Nam, con người miền Nam.
Cũng trong năm 1968, Đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung (Xưởng Phim Hà-Nội) đã mời tôi viết nhạc cho bộ phim tư liệu nghệ thuật "Bài ca anh Giải phóng", lấy bài thơ "Anh Giải phóng quân" của Tố Hữu làm nền qua giọng ngâm của Linh Nhâm. Tôi được tiếp xúc với khá nhiều tư liệu, hình ảnh hoạt động của quân Giải phóng, các bối cảnh của chiến trường miền Nam, và đặc biệt là mấy cảnh trong nội thành Sài gòn.
Năm 1972, bộ phim "Trên những cung đường mang tên Bác" (đường Trường Sơn) của Xưởng Phim "Giải phóng" do đồng chí U-Đa đạo diễn lại mời tôi viết nhạc dưới bút danh "Cẩm La". Thêm một dịp được thấy cảnh khói lửa ác liệt, những cố gắng vượt bậc của các chiến sĩ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".... Tất cả những sự kiện ấy cứ tích lũy dần, liên tục và dồn dập, đầy ắp trong tôi.
Tháng 4-1975, khi bộ đội ta ào ạt tiến xuống đồng bằng, thần tốc tiến vào Nam. thì bài vở dồn dập gửi đến, chưa kịp dựng hết bài mừng Huế giải phóng, Đà nẵng đã được giải phóng rồi ! Chúng tôi bám theo tin tức diễn biến, say mê viết, ngày và đêm.
CP90 dành cho tôi sự hỗ trợ thật to lớn trong những ngày này, những thông tin chính xác và sớm nhất, những câu chuyện hấp dẫn do cán bộ, dũng sĩ diệt Mỹ ở B ra kể lại, khiến nhiều lúc tôi có cảm giác như đang ngồi ngay tại cơ quan ở tiền phương. Trên Đài "Giải phóng", Cẩm La đã có các bài "Sục sôi cách mạng", "Hát trên phố phường giải phóng", trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Hoàng Hà có bài "Chào Nha Trang giải phóng".
Sáng 26 tháng 4, qua CP90, tin tức về các cánh quân ta bao vậy bốn phía chuẩn bị đánh vào Sài Gòn khích lệ kỳ lạ đối với tôi. Bây giờ là sắp tiến vào Sài gòn rồi. Phải viết ngay mới kịp. Biết bao hình tượng, ý tứ, cứ liên tiếp, xen kẽ, vùn vụt hiện ra trong óc tôi, nhưng chưa cái nào đứng lại. Trong tâm trạng bề bộn lúc ấy, bỗng một tin tức rất ngắn phát trên Đài không bình luận gì lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sáng tác của tôi : "Chiến dịch giải phóng Sài gòn được mang tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh". Đây rồi ! mệnh lệnh của Đất Nước đã ban ra, quyết tâm Toàn Thắng đã khẳng định ! Thế là, những hình ảnh thời tôi theo đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10-1954) với rừng cờ, rừng người náo nhiệt tái hiện như một cuốn phim tư liệu sắc nét.Sài Gòn bừng hiện ra trong tâm trí tôi như một ảo ảnh sống động với những câu chuyện tôi đã nghe, những dũng sĩ kiên cường, những sĩ quan quân đội Sài Gòn thảm hại tôi đã gặp, ký ức về những trận chống càn thắng lợi, về ngày giải phóng Thủ đô... Từng nét nhạc, từng ý, từng lời, cứ bật ra từ trong sâu thẳm lòng mình, phơi phới "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay !" ..."Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ Non sông..." "Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương !" Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, bỗng bật ra giọng "Hò Đồng Tháp" của chị Văn Công Giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người Miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng !
"Đất Nước trọn niềm vui" được viết và hoàn thành như vậy. Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là một tín hiệu thần kỳ, như một "giọt nước tràn ly", một "động tác bấm nút" cho tác phẩm "Đất Nước trọn niềm vui" xuất hiện.
Đến nay, hơn một phần tư Thế kỷ đã trôi qua. Tôi luôn nghĩ rằng trách nhiệm của người nhạc sĩ sáng tác là phải cố gắng hết sức mình để ghi lại phần nào tình cảm điển hình trong những phút giây lịch sử điển hình của đất nước. Trong hoàn cảnh bài này, tôi đã làm được điều đó.
|