Ngày 06.10.2006, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã có công văn chính thức gởi các Sở VH-TT trên toàn quốc về việc chấn chỉnh "ca khúc" gây sốc.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng phòng Quản lý biểu diễn, băng đĩa, ca nhạc và sân khấu thì văn bản này được ban hành dựa trên việc nắm bắt dư luận, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hiện tượng chứ không phải là theo đuôi dư luận.
Ngày 06.10.2006, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã có công văn chính thức gởi các Sở VH-TT trên toàn quốc về việc chấn chỉnh "ca khúc" gây sốc. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng phòng Quản lý biểu diễn, băng đĩa, ca nhạc và sân khấu thì văn bản này được ban hành dựa trên việc nắm bắt dư luận, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hiện tượng chứ không phải là theo đuôi dư luận.
Từ góc độ quản lý nhà nước, công văn số 688/NTBD nêu trên của Cục NTBD không có gì sai. Tuy nhiên, từ góc độ lý luận âm nhạc đến thực tế, cách dùng từ "gây sốc" (trong ngoặc kép) trong công văn chính thức của một cơ quan cấp Cục gởi các cơ quan cấp Sở đến cách hiểu của nhiều người đang từng ngày đăng đàn lý luận về "ca khúc gây sốc" vẫn còn lắm vấn đề cần phải xem xét lại. Nếu không minh xác được ca khúc "gây sốc" là gì và như thế nào thì các Sở VH-TT sẽ chẳng làm thế nào thực thi được nhiệm vụ quản lý của mình. Nếu không làm rõ được đâu là tiêu chí để phân loại ca khúc "gây sốc", chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào việc phê phán oan sai, bừa bãi, không dựa trên bất kỳ cơ sở lý luận nào cả.
Khi nói "ca khúc gây sốc", 100% chúng ta nói đến ca từ chứ không nói đến giai điệu, hoà âm, hay tiết tấu mặc dù chính trong ca từ, giai điệu, hoà âm, tiết tấu của nhiều ca khúc vẫn có lắm chỗ "gây sốc". Như vậy, rõ ràng là chính những người đang luận bàn về ca khúc gây sốc vẫn bàn chưa "tới" mọi góc cạnh của vấn đề (Không loại trừ lý do là chúng ta thiếu khả năng bàn quá mức "ca từ" nên không thể bàn sang âm nhạc). Cũng được thôi! Vậy thì, từ góc độ ca từ, chúng ta hiểu thế nào là ca khúc gây sốc?
Ca từ phải có "tính văn học"?
Trong nhiều trường hợp, chúng ta khẳng định rằng ca từ "phải có" tính văn học. Tuy nhiên, như thế nào là có tính văn học thì ta lại không chỉ ra được. Trong tiểu luận nhan đề "Nicanor Parra: Phản thơ để cứu thơ", tác giả Hoàng Ngọc Tuấn chỉ ra rằng việc buộc một tác phẩm phải "có tính văn học" chỉ là những chiếc bảng kẽm cũ kỹ của mỹ học lãng mạn chủ nghĩa. Chúng ta đã được "dạy" rằng ca từ là "phải thế này, phải thế kia" và chúng ta mặc nhiên chấp nhận là chúng phải như thế mà chẳng buồn tìm hiểu vì sao chúng phải thế mà không thể khác.
Xin hãy xem đoạn thơ sau trong bài thơ La Víbora (Con rắn độc) của nhà thơ Nicanor Parra:
Durante largos años estuve condenado a adorar a una mujer despreciable,
sacrificarme por ella, sufrir humillaciones y burlas sin cuento,
trabajar día y noche para alimentarla y vestirla,
llevar a cabo algunos delitos, cometer algunas faltas,
a la luz de la luna realizar pequeños robos,
falsificaciones de documentos comprometedores,
so pena de caer en descrédito ante sus ojos fascinantes...
Tạm dịch:
Đã nhiều năm tôi bạc phước phải tôn thờ một mụ đàn bà ti tiện,
hy sinh bản thân cho mụ, chịu đựng những sự nhục nhã và chế giễu không kể xiết,
làm việc ngày đêm để lo cho mụ ăn mặc,
phạm một vài tội hình sự, gạt gẫm một vài người,
tôi trộm cướp vặt vãnh dưới ánh sáng của vầng trăng
xài những giấy tờ giả mạo,
đau đớn bị khinh bỉ trước những con mắt kinh ngạc...
Một đoạn khác:
Entonces hube de salir a la calle a vivir de la caridad pública,
dormir en los bancos de las plazas,
donde fui encontrado muchas veces moribundo por la policía
entre las primeras hojas del otoño...
Tạm dịch:
Thế rồi tôi đã bị đuổi ra ngoài đường và sống nhờ của bố thí,
ngủ trên những băng ghế công viên,
nơi nhiều lần cảnh sát tìm thấy tôi đang chết dở
giữa những chiếc lá đầu tiên của mùa thu...
Ai dám bảo rằng đoạn thơ trên không có "tính văn học" khi nó chứa đựng những từ, cụm từ "đầy tính văn học" theo cách hiểu của mỹ học lãng mạn chủ nghĩa? Những câu đối thoại trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng "có tính văn học" không khi chúng thuộc nhóm ngôn ngữ rất "đời thường", "bình dân", thậm chí là "tục"? "Áo ỡm ờ, quần chờ một phút" có thanh không?
Dĩ nhiên, mang thơ và văn áp dụng vào âm nhạc là điều không phải, rất không phải! Thế nên chúng ta sẽ khó lòng chấp nhận chuyện người viết dẫn bài thơ Con rắn độc hay tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng làm cơ sở lý luận. Chắc chắn là như thế! Song nếu là như thế, ai cho phép chúng ta áp văn chương lên ca từ của ca khúc để buộc chúng phải có tính văn học?
Ca từ ca khúc phải có "chất thơ"?
Trong nhiều bài phân tích (đả kích) ca khúc gây sốc, nhiều người trong chúng ta đã khẳng định đi khẳng định lại là ca từ luôn phải có "chất thơ". Chúng ta quên (hay cố tình quên) rằng thơ là thơ mà nhạc là nhạc và chúng là hai nhánh riêng biệt của nghệ thuật. Ở đây chúng ta phải làm rõ với nhau một điểm, rằng có rất nhiều tác phẩm thơ đã được phổ nhạc, nhưng điều đó không có nghĩa là ca từ phải là thơ. Một số bài thơ có thể hát lên. Đó là thi ca. Nhưng chẳng ai diễn ngâm nhạc theo kiểu "nhạc thi" cả. Ai có thể diễn ngâm một tác phẩm rap hay trash metal rock như một bài thơ? Nếu bạn chỉ cho người viết được một người, người viết nhất định sẽ tìm đến để bái người ấy làm thầy với đầy đủ hậu lễ bái sư. Cũng xin bạn đừng quên rằng vẫn còn đấy nhiều bài thơ phải được chỉnh sửa trước khi được chuyển hoá thành ca từ ca khúc.
Một điều nữa chúng ta cũng không thể quên là cùng với sự vận động của đời sống, bản thân ngôn ngữ thơ cũng đã thay đổi. Những bài thơ theo thể lục bát, song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt... họa chăng chỉ có thể tìm thấy ở các tác giả của một thời chúng ta dùng bút lá tre, chấm viết mực chứ khó lòng tìm được ở các tác giả thời đại tin học hoá. Vậy thì, đâu mới là cái "chất thơ" mà ca từ "phải có"? Và tại sao phải có khi nhạc, xin được tái khẳng định, không phải là thơ?
Rõ ràng là, khi cưỡng bức ca khúc phải có "tính văn học", phải có "chất thơ", chúng ta đã buộc nhạc không còn là chính nó mà chỉ là cái bóng của văn học. Trong tất cả những bài viết trên diễn đàn ca khúc gây sốc, người viết chưa hề đọc thấy ai yêu cầu ca từ trong ca khúc phải có "tính ca từ", kể cũng là điều đáng tiếc.
LÊ HOÀNG
|